Nỗi lòng của người ngồi sau bàn phỏng vấn cùng những ứng viên ố dề.
Người ta thường nói developer thường là những anh chàng lầm lì ít nói hướng nội, do đó việc đi phỏng vấn, nhất là lúc mới ra trường hay đi thực tập thường xuyên trở thành những cơn ác mộng thường trực. Rồi trên mạng bắt đầu chia sẻ những bí kíp: 1 vạn câu hỏi phỏng vấn backend, 1 ngàn câu hỏi thường gặp nodejs hay 1 triệu câu hỏi vì sao để hỏi lại nhà tuyển dụng,… khiến các anh em chưa đi phỏng vấn đã áp lực.
Thế nhưng có phải chỉ ứng viên đi phỏng vấn mới áp lực hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tiếp.
First things first
Mình biết bấy lâu nay các bạn chỉ đọc toàn những bài viết dạng: Tuyển tập câu hỏi phỏng vấn thường gặp, Tips gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, Những sai lầm thường gặp trong buổi phỏng vấn,… với vô vàn những lời khuyên và kinh nghiệm của những người đi trước mà đôi khi các bạn không hiểu tại sao hoặc hay bỏ qua không làm. Ok thì hôm nay tôi sẽ giải thích một vài lời khuyên ấy và để các bạn hiểu tại sao cả chục năm nay internet phát triển mà những bài viết kiểu khuyên răn cũ mèm như vậy vẫn còn chỗ đứng nhé.
Mình là Minh Monmen, và mình là một người cũng hay ở vào vị trí người phỏng vấn. Tất nhiên là trước khi ở vào vị trí này thì mình cũng đi làm ứng viên phỏng vấn khá nhiều, từ công ty nhỏ tới công ty to, từ công ty product tới công ty outsource. Có những thời điểm mình đi phỏng vấn nhiều và liên tục tới mức thuộc toàn bộ câu trả lời cho những câu hỏi mà nhà tuyển dụng khi nhìn CV của mình chắc chắn sẽ hỏi (đây thật ra cũng là 1 nghệ thuật viết CV để dụ NTD hỏi). Tuy nhiên vài năm trở lại đây thì công việc tạm thời ổn định nên mình lại đứng ở vị trí ngược lại nhiều hơn.
Bài viết này chia sẻ những câu chuyện có thật từ việc mình phỏng vấn rất nhiều ứng viên fresher. Có thể nhiều phiên bản sẽ có mắm muối do trí nhớ của mình không được quá tốt tuy nhiên các bạn có thể yên tâm là mình không phịa chuyện câu like như hội lều báo đâu nhớ.
Trở lại với câu hỏi: Có phải chỉ ứng viên đi phỏng vấn mới áp lực hay không? thì câu trả lời chắc chắn là KHÔNG đâu nhé. Người phỏng vấn (là mình) cũng áp lực và trầm cảm chả kém các bạn đâu. Chẳng qua mình là người đầu tiên kể lại chuyện phỏng vấn những ứng viên ố dề thôi chứ còn đâu trong ngành công nghệ này nhiều người như vậy lắm. Hãy cùng mình trở thành người phỏng vấn trong một ngày bận rộn xem sao nhé.
À tất cả những điều dưới đây đều là ý kiến chủ quan của mình khi phỏng vấn, do đó các bạn mang đi phỏng vấn với mình thì đúng chứ mang đi phỏng vấn với các công ty lớn, các tập đoàn to, các doanh nghiệp tỷ đô,… mà không được thì mình không chịu trách nhiệm đâu nha.
Từ vòng gửi xe đầy sóng gió
Thôi chưa nói tới chuyện phỏng vấn vội mà thử nói chuyện lọc CV đi. Phải công nhận là thời buổi đánh máy còn nhiều hơn viết chữ như này mà vẫn nhiều bạn kém trong việc trình bày CV thật sự. Tiêu chuẩn của mình thì không cao, chỉ là trình bày sạch đẹp, rõ ràng, ĐÚNG CHÍNH TẢ mà thôi. Thế nhưng thực tế thì đọc 10 cái CV phải đến 5-6 cái:
- Sai chính tả, sai tên framework, sai tên ngôn ngữ, cảm giác 1 CV sai lỗ chỗ luôn chứ không phải chỉ gõ sai 1 từ đâu.
- Câu văn không chấm phẩy, hoặc chấm phẩy kiểu: “Dự án gồm giao diện các page,database,các chức năng như đăng
ký,đăng nhập,thêm,sửa,xóa,phân trang,tìm kiếm” hay kiểu: “Đạt điểm KPI 6/6 của tháng ,hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra của
trưởng phòng .” - Căn lề lộn xộn, chỗ thừa chỗ thụt, font thì nhấp nhô kiểu copy chỗ nọ chỗ kia vào.
Haizz, đấy mới chỉ là nói phần trình bày, còn nội dung thì thôi, nhất là quả mục tiêu nghề nghiệp. Thà rằng các bạn cứ đi copy luôn văn mẫu đi đọc cho nó hay ho hẳn hoặc là không có luôn cho lẹ, đằng này lại kiểu copy được 1 câu xong thêm văn của mình vào chẳng chấm phẩy gì đọc lủng cà lủng củng. Đọc xong cũng không biết là bạn muốn làm gì.
Xem mấy CV đấy xong mà gọi đi phỏng vấn thì chỉ là vì quá thiếu người nên đành gạn đục khơi trong vơ bèo gạt tép thôi chứ giờ tuyển vào chỉ sợ các bạn không biết cách diễn đạt những thứ trong đầu mình thì sau này làm việc với PM (Project Manager), BA (Business Analyst) rồi Tester kiểu gì? Rồi các bạn cẩu thả với chính CV của mình thế thì làm sản phẩm của người khác (công ty) làm sao mà cẩn thận nổi?
Mình cũng nhiều lần thử cố gọi phỏng vấn rồi nhưng thật sự là không thể tuyển nổi. Đi phỏng vấn sẽ nhận ra cái CV nó phản ánh phải 60% con người thật rồi chứ không đùa. Hồi xưa các cụ bảo nét chữ nết người thì mình còn tặc lưỡi thôi mình chữ xấu không luyện nổi chứ giờ đánh máy rồi mà còn ẩu quá như này thì…
Tới những màn giới thiệu cụt ngủn
Ơ thật, đi phỏng vấn bây giờ không hiểu sao các bạn lại rất kiệm lời giới thiệu 🤐. Mặc dù buổi phỏng vấn nào cũng đều sẽ bắt đầu như sau:
- Chào em, anh chị tự giới thiệu, phía công ty gồm có,… Em hãy giới thiệu về bản thân trước nhé.
- …
Đây vốn là cơ hội rất tốt để bạn định hướng cuộc phỏng vấn theo ý mình. Giới thiệu đôi nét bản thân, giới thiệu về kinh nghiệm, kỹ năng, học vấn của mình,… Tất nhiên khi nói điều này thì bọn mình không hy vọng bạn sẽ thuật lại y nguyên cái CV mà sẽ muốn bạn nói ra những điều chưa có trong CV như điểm mạnh, điểm yếu, sở thích với công việc, mục đích khi tìm kiếm công việc, những thứ bạn đã được học, những thứ bạn muốn học,…
Thế nhưng thực tế là:
- Vâng em chào các anh chị, em là Nguyễn Văn A và em sinh năm 2000.
- Em chào anh chị, em là Nguyễn Văn B và em là sinh viên năm 4 trường X.
- Em là Nguyễn Văn C. (hết)
Thế xong sau đó là một khoảng lặng dài tám mắt nhìn nhau. Thật sự là lúc ấy bọn mình cảm thấy hơi hụt hẫng, nhưng thôi hãy hiểu cho những chiếc chiếu mới chưa trải sự phỏng vấn này mà tiếp tục hỏi những câu kiểu:
- Điểm mạnh của em là gì?
- Em cảm thấy kiến thức quan trọng nhất mình được học ở trường là gì?
- Em học được gì trong 3 tháng thực tập vừa rồi?
- Em tìm hiểu gì về ngành và có định hướng nào cho mình chưa?
- Em thường làm gì vào thời gian rảnh?
Trong khi đó tất cả những thứ này đều có thể được thể hiện trong bài giới thiệu về bản thân. Chưa kể còn có thể gài thêm một vài manh mối em biết làm cái này cái kia làm bài tủ để câu dẫn người phỏng vấn hỏi theo ý mình. Ví dụ như: mình có sẵn một câu chuyện truyền cảm hứng về tự học và chuyển ngành nên mình cố tình nhấn mạnh việc mình học từ đâu, quay ngoắt 180 độ sang dev như nào, rồi mình chỉ cần học gần hết 1 kỳ aptech mà đã đi làm luôn ra sao,…
Thôi thì các bạn hãy mở ngay word hoặc google docs ra mà làm một bài giới thiệu về bản thân thật là ấn tượng đi nhé, chứ giờ bọn mình cứ phải hy vọng vào một màn chào hỏi hoành tráng để rồi thất vọng thì hơi buồn đấy.
Thật ra, em thích làm bác sĩ…
10 điểm thật thà, mời em về chỗ.
Có một bạn đã thẳng thắn nói trước mặt hội đồng phỏng vấn 4 người của bọn mình như vầy. Tất nhiên là không phải tự nhiên bạn ấy nói thế mà là sau khi thấy bạn ấy không biết chút nào về những thứ chính bạn ấy làm thì anh phỏng vấn cùng mình phải hỏi bạn ấy là:
- Thế anh hỏi thật là em có thích lập trình không?
Bạn ấy suy nghĩ một hồi lâu =))). Tất nhiên là đi phỏng vấn developer, hỏi có thích lập trình không mà còn phải suy nghĩ là dở rồi. Tuy nhiên cũng phải cho bạn ấy một like vì sự thật thà khi sau ấy bạn ý thỏ thẻ:
- Thật ra em không thích lập trình mà thích làm bác sĩ, nhưng hồi xưa thi không đủ điểm nên không theo.
Chẹp. Và sau đó cuộc phỏng vấn biến thành màn tư vấn hướng nghiệp cộng với truyền cảm hứng bỏ học (bạn ấy vẫn đang học nốt năm cuối) để theo đuổi giấc mơ bác sĩ. Mình đã lôi ra hết các loại ví dụ như chính bản thân mình được tuyển thẳng y dược, đi học đại học kinh tế ra trường vẫn theo đuổi giấc mơ lập trình, rồi tới bạn mình cũng đi học y mấy năm bỏ học để theo đuổi giấc mơ thầy giáo, rồi giờ vẫn đang đi học làm nghiên cứu sinh,… để cổ vũ bạn ấy từ bỏ cái nghề bạn ấy không thích rồi. Ấy thế mà đến cuối cùng khi hỏi:
- Em còn câu hỏi nào hay muốn xin lời khuyên nào nữa không?
Thì bạn ấy hỏi là:
- Các anh có thể cho em lời khuyên được không?
- Ừ được chứ, em muốn xin lời khuyên gì?
- Lời khuyên khi đi phỏng vấn lập trình ạ.
- …
Khi lời nói không thể diễn đạt được nữa thì cũng là lúc mình mang bầu bài viết này…
Công ty không cho em làm project lớn nên em không học được gì mới
Đây vốn là câu chuyện chẳng của riêng ai hay của công ty nào. Phần lớn các công ty tuyển các bạn thực tập sinh chỉ đưa cho các bạn ấy những project nho nhỏ kiểu bài tập lớn, làm xong thì để cho vui chứ ít khi có tác dụng gì đối với công ty. Người ta cũng không dám để các bạn thực tập sinh động vào sản phẩm đang chạy thật vì sợ miss deadline, sợ làm cả team chậm đi, rồi sợ lộ code xịn với những nhân viên chẳng biết tháng sau có còn gặp mặt.
Tất nhiên làm những project kiểu chẳng có người dùng hay thậm chí chẳng để làm gì luôn thì chán rồi, và không ít các bạn rời bỏ công ty mình thực tập vì lý do này. Một bạn thực tập sinh mà mình vừa phỏng vấn cũng thế. Nhưng hỡi ôi bạn ơi, bạn chê công ty người ta không cho bạn làm project lớn, không tạo điều kiện cho bạn phát triển hay học hỏi thêm gì thì bạn cũng phải chứng minh tầm hiểu biết của mình vượt hơn những project vớ vỉn ấy chứ.
Đằng này:
- Thế project người ta cho em làm là về cái gì?
- … Em cũng không nhớ rõ (trong khi vừa mới làm tháng trước), làm về thương mại điện tử gì đó.
- Thế em làm gì trong đấy?
- Đăng nhập đăng ký và mấy cái thêm sửa xóa linh tinh
- Thế em thử mô tả lại làm cách nào mà anh đăng nhập được vào website của em đi
- Ừm thì nhập username password xong rồi mình check rồi mình cho đăng nhập thôi anh
- Ừ nhưng mà làm cách nào để anh F5 rồi mà em vẫn biết anh đăng nhập ấy?
- …
Những công ty kia đã có lỗi 1 khi chỉ giao cho bạn ấy project đồ chơi.
Nhưng bạn ấy đã có lỗi 10 khi đến project đồ chơi còn không còn không làm cho ra hồn.
Qua câu chuyện này mong rằng các bạn khi đi thực tập hay làm bất kể thứ gì kể cả project bài tập lớn trên trường thì cũng hãy đào sâu để hiểu rõ nó một chút. Giờ trong CV đã trống trải rồi mà hỏi đến cái gì trong đấy cũng không nắm rõ thì tụi mình còn mong gì bạn học kiến thức mới với cả công nghệ mới nữa?
PR thêm 1 chút là công ty mình thì không bao giờ để các bạn thực tập sinh hay fresher phải làm mấy cái project vô thưởng vô phạt nhiều mà thường sẽ đưa dự án thật xịn luôn để làm. Không những thế còn cho khởi tạo toàn các service trọng yếu khó nhằn cơ. Do đó mà các bạn bên mình thường có tâm lý ngược lại với bạn ở trên là tự ti và sợ mình không làm được cơ. Và công việc của mình thường là cổ vũ các bạn ấy tự tin vào bản thân và dám làm dám thử thách chứ không phải là tạt gáo nước lạnh như ở trên đâu.
Tạm hết phần 1
Thôi tới đây bài viết cũng dài mình cũng dặn lòng bình tĩnh để hôm sau làm bài nữa. Chung quy lại là bài viết này đưa các bạn một vài kết luận:
- Hãy nghiêm túc và chăm chút tử tế cho mình từ khâu chuẩn bị CV. Nó là gương mặt của bạn trước khi tới được bàn phỏng vấn. Chí ít thì hãy để gương mặt ấy được sạch đẹp, sáng sủa và cạo lỗi chính tả đi nhé.
- Chuẩn bị cho mình một câu chuyện giới thiệu với nhiều plot twist, và buổi phỏng vấn sẽ là của các bạn (mình đã thử và thành công).
- Truyền đam mê vào những câu trả lời. Được hỏi 1 nhưng trả lời 10 chính là dấu hiệu cho thấy bạn có đam mê với nghề hay không. Nếu không thì thôi đừng phí thời gian của nhau nữa.
- Chứng tỏ mình xứng đáng với sự tự tin. NTD thường rất thích ứng viên tự tin, nhưng phải là tự tin vào thực lực chứ đừng là tự tin chém gió.
Phần sau sẽ kể thêm, còn nhiều chuyện bi hài cười ra nước mắt mà khóc ra tiếng mán lắm.
P/s: À công ty mình (Bitu) vẫn đang tuyển TTS, fresher với junior PHP nhé ae đọc hết series chuyện phỏng vấn này rồi đi chắc là pass luôn đấy =)))
Nguồn: viblo.asia