I. LỜI MỞ ĐẦU
Trong quá trình làm việc của một BA, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều thuật ngữ và khái niệm liên quan đến quy trình, các vai trò, con người… Nhưng có những khái niệm cốt lõi mà bắt buộc một BA cần phải nắm và phải nhớ, đó chính là BACCM.
Nhấn mạnh một lần nữa, nó thực sự quan trọng trong việc hành nghề của một BA. Có thể nói rằng, nếu bạn áp dụng mô hình này vào công việc thật nhuần nhuyễn thì bạn là một Professional BA 😎 Kể cả khi mình viết bài này, mình cũng chưa sử dụng nó một cách thuần thục đâu. Nhưng mình may mắn hiểu được tầm quan trọng của nó và mình muốn lan tỏa thông điệp này.
Vì vậy, nếu bạn là một newbie BA hoặc chưa có cơ hội được nghe về mô hình này thì hãy tìm hiểu nó ngay từ bây giờ nhé. Không dài dòng nữa, cùng tìm hiểu nó là gì và tại sao nó lại quan trọng đến như vậy thôi nào.
II. KHÁI NIỆM
BACCM là viết tắt của Business Analysis Core Concept Model. Nó là một khung làm việc (framework) dành cho BA, bao gồm 6 KHÁI NIỆM hình thành nên nghề phân tích nghiệp vụ.
1. Needs
Có thể dịch là nhu cầu. Nhu cầu ở đây là nhu cầu về giải quyết vấn đề, nhu cầu phát triển, cơ hội từ thị trường/nền kinh tế,…
2. Solutions
Là cách thức/giải pháp nhằm đáp ứng một hay nhiều nhu cầu cụ thể trong ngữ cảnh nào đó. Solutions phải mang lại sự thay đổi trong hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp.
3. Stakeholders
Hiểu là các bên liên quan. Là những cá nhân hay tổ chức đang gặp vấn đề và có nhu cầu giải quyết (Needs), hay tham vào vào việc cung cấp giải pháp (Solutions) hoặc chịu tác động bởi sự thay đổi (Changes).
Có một sự thật là, không phải Stakeholder nào cũng dễ thương dễ mến. Đó chính là lúc BA chúng ta cần tung các bộ cước thất truyền để hạ gục Stakeholder 🙃 Đùa đấy, mình nghĩ việc cùng ngồi lại trao đổi và thấu hiểu sẽ giúp cả 2 đạt được mục tiêu chung toàn vẹn nhất
Sẵn đây mình có một ví dụ: Nếu bạn xây nhà thì hàng xóm của bạn là một stakeholder. Tại vì trong lúc thi công thì gây tiếng ồn, di chuyển các thiết bị vật tư có thể làm cản trở và ảnh hưởng đến không gian, nếp sống của họ,… Nên việc xác định hàng xóm là một stakeholder sẽ giúp bạn lưu ý, từ đó update Giải pháp để đạt được Nhu cầu hiệu quả và trọn vẹn nhất.
4. Contexts
Các bạn có thể dịch là hiện trạng, hoàn cảnh hay ngữ cảnh đều được. Dễ hiểu hơn, context là văn hóa, môi trường, ngôn ngữ, đối thủ cạnh tranh, thị trường, quy trình hiện tại của một tổ chức/doanh nghiệp,…
5. Value
Là giá trị hay lợi ích mang lại. Nó có thể là vô hình, cũng có thể là hữu hình. Sếp mình bảo Value thường là số liệu, mình thấy cũng đúng, đó là một dạng giá trị hữu hình quan trọng trong doanh nghiệp. Còn vô hình có thể hiểu là danh tiếng của tổ chức, tinh thần làm việc của nhân viên được tăng lên chẳng hạn.
6. Changes
Là các hoạt động chuyển đổi để đáp ứng được nhu cầu (Needs).
III. VÍ DỤ
Bài toán: Đây là anh Đ, anh Đ không muốn đi nghĩa vụ quân sự (NVQS) vì anh muốn dành thời gian để học tiếp chương trình thạc sĩ chuyên ngành CNTT. Hãy phân tích bài toán này và đưa ra giải pháp phù hợp.
Áp dụng BACCM ta có:
Needs: anh Đ có nhu cầu học tiếp chương trình thạc sĩ CNTT
Contexts:
- anh Đ 24 tuổi, đẹp trai, có tài chính, sức khỏe bình thường đủ điều kiện đi NVQS.
- anh Đ chưa có người yêu
- anh Đ chưa có BĐS
- Trong Luật chính phủ, nếu đàn ông trong độ tuổi bắt buộc đi NVQS nhưng lập gia đình và có hộ khẩu riêng thì sẽ không bắt buộc đi NVQS (cái này mình giả sử nhé).
Solutions: Lập gia đình và có hộ khẩu riêng trước ngày có thông báo khám tuyển NVQS.
Stakeholders:
- Đối tượng anh Đ định kết hôn
- Gia đình anh Đ
- Chính quyền
- Người mua bán BĐS với anh Đ
Changes:
- Dành thời gian tìm hiểu bạn gái nào đó.
- Tìm hiểu BĐS, mua BĐS.
Value:
- Anh Đ được tiếp tục học con đường thạc sĩ CNTT.
- Ổn định, có người chăm sóc.
IV. TỔNG KẾT
Tổng kết lại, áp dụng mô hình BACCM giúp BA chúng ta phân tích một dự án mới, các vấn đề hay cơ hội nào đó trong doanh nghiệp tốt hơn. Từ đó, BA có đầy đủ thông tin để làm dự án một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhu cầu hay hiện trạng hay các yếu tố khác có thể thay đổi theo thời gian, cho nên BA chúng ta sẽ không hoàn toàn bám sát suốt dự án bằng những dữ liệu đã phân tích từ ban đầu, mà phải thay đổi cho phù hợp với xu hướng thị trường, tình trạng của doanh nghiệp.
Đây là tất cả những gì mình hiểu được về mô hình BACCM, hy vọng sẽ giúp các bạn áp dụng được vào trong công việc. Hẹn các bạn vào bài viết tiếp theo nhé ^^
Ref
Nguồn: viblo.asia