[NodeJS] Bài 5 – NPM – Node Packpage Manager

Trong bài viết đầu tiên của Sub-Series NodeJS, nếu như bạn để ý thì thấy sau khi thực hiện xong việc cài đặt gói phần mềm tải về từ trang chủ của NodeJS, chúng ta đã thử chạy 2 câu lệnh để kiểm tra kết quả cài đặt – CMD node -v :: kết quả:

Trong bài viết đầu tiên của Sub-Series NodeJS, nếu như bạn để ý thì thấy sau khi thực hiện xong việc cài đặt gói phần mềm tải về từ trang chủ của NodeJS, chúng ta đã thử chạy 2 câu lệnh để kiểm tra kết quả cài đặt –

CMD

node -v
:: kết quả: v16.14.2

npm -v
:: kết quả: 8.5.0

Terminal

node -v
# kết quả: v16.14.2

npm -v
# kết quả: 8.5.0

Câu lệnh đầu tiên là để kiểm tra phiên bản của NodeJS đã cài đặt thành công trên máy tính của bạn. Còn câu lệnh thứ hai là để kiểm tra phiên bản của một phần mềm có tên là npm được đóng gói kèm theo bộ cài đặt của NodeJS. Và bây giờ thì chúng ta mới có thể bắt đầu nói về phần mềm này.

NPM là cái gì?

Vẫn xuất phát từ nhu cầu chia sẻ và tái sử dụng các bộ code miễn phí của cộng đồng lập trình viên. Đâu đó trong một thời điểm lịch sử khoảng 8 tháng sau khi NodeJS xuất hiện, thì một cơ sở dữ liệu cộng đồng dành riêng cho các gói phần mềm package được viết trên nền NodeJS cũng được chính thức giới thiệu kèm theo một phần mềm quản lý dành cho người sử dụng có tên là NPM. Tên viết đầy đủ của NPM thì như tiêu đề bài viết của chúng ta đã ghi, đó là Node Package Manager – phần mềm quản lý manager các gói package trong môi trường NodeJS.

Khái niệm package ở đây được hiểu rộng hơn một chút so với module mà chúng ta đã biết trước đó. Một package có thể là một thư viện nhỏ library cung cấp các công cụ hỗ trợ trong code của chúng ta; Một package cũng có thể có kích cỡ lớn hơn một chút – đó là một framework bao gồm nhiều module để tạo nên một thành phần mang tính kiến trúc trong phần mềm mà chúng ta đang xây dựng; Và thậm chí, một package cũng có thể là một phần mềm hoàn chỉnh, chạy trên môi trường NodeJS.

Tìm kiếm, cài đặt, và sử dụng các package

Cũng giống với các dự án cộng đồng khác, NPM có một trang web chính thức với đầy đủ tài liệu sử dụng và một công cụ tìm kiếm giúp chúng ta nhanh chóng tìm ra các package có liên quan tới nhu cầu sử dụng đang được chia sẻ bởi nhiều lập trình viên khác. Và địa chỉ top 1 sau khi mình Google với từ khóa npm là đây – https://www.npmjs.com/.

Ở góc phía bên phải thì chúng ta có mục tài liệu hướng dẫn là Document và khu vực đăng ký tài khoản người dùng để tham gia vào cộng đồng lập trình viên đang chia sẻ các gói phần mềm tại npm. Về giao diện sử dụng dòng lệnh thì chúng ta có các thao tác được liệt kê đầy đủ tại đây – Danh sách đầy đủ các câu lệnh để sử dụng npm. Tuy nhiên thì bạn không cần phải cố gắng ghi nhớ hết mấy câu lệnh này để bắt đầu sử dụng npm đâu. Vẫn như mọi khi thôi, chúng ta lưu lại liên kết tham khảo để dùng tới khi cần và chỉ khởi đầu với một vài câu lệnh phổ biến thôi.

Bây giờ chúng ta sẽ thử tìm và cài đặt một package để sử dụng. Hãy giả định là chúng ta đang cần tìm một phần mềm server cho web tĩnh giống như code server đơn giản mà chúng ta đang có ở thời điểm hiện tại đi. Vậy chúng ta sẽ thử tìm kiếm với từ khóa http-server.

Có ngay một kết quả trùng hợp chính xác exact-match với từ khóa mà chúng ta tìm kiếm, và có một dòng mô tả bên dưới là – một phần mềm server http đơn giản không yêu cầu thiết lập gì mà chỉ cần cài đặt về là dùng thôi. Nhấn vào xem ngay. 😄

Phong cách lập tài liệu chung của các package được chia sẻ tại npm thì đều sẽ cung cấp cho người sử dụng hướng dẫn cài đặt Installation và hướng dẫn sử dụng Usage. Ở đây chúng ta có hướng dẫn cài đặt là một câu lệnh –

CMD | Terminal

npm install --global http-server

Sau khi lệnh cài đặt được thực hiện xong thì chúng ta, xem tới phần hướng dẫn sử dụng Usage có mô tả cú pháp lệnh thế này –

CMD | Terminal

http-server [path] [options]

Trong đó thì các tham số đầu vào là đường dẫn path tới thư mục gốc của trang web tĩnh mà chúng ta đang có, tức là thư mục static, và các tham số phụ không bắt buộc options. Trong trường hợp không chỉ định path thì phần mềm http-server sẽ tìm thư mục public trong thư mục đang làm việc hiện tại, nếu không tìm thấy thì sẽ xem như thư mục hiện tại sẽ là thư mục gốc của trang web.

Vậy chúng ta chỉ cần di chuyển tới thư mục static và gõ lệnh http-server là được. Ở đây thì mình đã di chuyển thư mục nodejs-blog vào Documents, nếu bạn vẫn để ở Desktop thì sửa lại lệnh cd thành Desktop nhé. 😄

CMD | Terminal

cd Documents/nodejs-blog/static
http-server

Sau khi khởi chạy phần mềm thì chúng ta sẽ thấy địa chỉ truy cập được in ra trong console. Thử mở trình duyệt web để kiểm tra ngay thôi. 😄

http://127.0.0.1:8080

Tuyệt… Mọi thứ hoạt động hoàn toàn đúng với quảng cáo tại trang tài liệu của package. 😄

Làm thế nào để sử dụng libraryframework?

Ứng dụng quan trọng nhất của npm đối vối chúng ta lúc này là tải về và nhúng các thư viện hỗ trợ hay framework để giúp chúng ta xây dựng một trang web có logic xử lý ở server linh hoạt hơn so với code server web tĩnh mà chúng ta đang có ở thời điểm hiện tại. Và để npm có thể giúp chúng ta nhúng một package vào một bộ code bất kỳ thì chúng ta cần đăng ký bộ code đó với npm như một dự án project. Bây giờ trong console chúng ta cần quay trở lại thư mục nodejs-blog để làm việc.

CMD | Terminal

cd ..

Sau đó nói với npm là chúng ta muốn khởi đầu init một dự án project.

CMD | Terminal

npm init

Ở đây chúng ta đang được hướng dẫn từng bước để tạo ra một tệp khai báo để phần mềm npm có thể hiểu được những thông tin tổng quan của project mà chúng ta đang thực hiện. Những thao tác này sẽ tạo ra một tệp quản lý package.json để npm có thể giúp chúng ta kết nối code của mình tới các package được tải về.

Sau khi thực hiện xong các khai báo ban đầu cho project của chúng ta thì bạn sẽ thấy trong thư mục nodejs-blog có thêm tệp package.json. Tệp khai báo này có thể được mở và chỉnh sửa thủ công nếu muốn, tuy nhiên thì bạn sẽ cần Google một vài lần trước khi chỉnh sửa để hiểu được ý nghĩa của một số thành phần như – cách đánh số version của một project, hay dạng bản quyền phân phối lisence.

Ở đây có mục script mà chúng ta cần quan tâm đầu tiên. Đó là 2 lệnh starttest để khởi động hoặc chạy thao tác kiểm tra server mà chúng ta đang code. Lúc này thay vì gõ lệnh node server.js hay node test.js trong console thì chúng ta sẽ gõ npm start hoặc npm test. Như vậy thì npm sẽ có thể giúp chúng ta kiểm tra các thành phần chính trong tệp khai báo package.json trước khi khởi chạy code – bao gồm cả những thư viện mà chúng ta cài đặt thêm vào project.

CMD | Terminal

npm test

Tới đây thì chúng ta đã có thể lên trang chủ của npm để tìm kiếm các thư viện hay framework liên quan đến tác vụ cần được hỗ trợ, và thực hiện cài đặt về để sử dụng cho project này.

Dùng thử thư viện marked hỗ trợ làm việc với mã markdown của Github

Bây giờ chúng ta sẽ thử cài đặt một thư viện và sử dụng thử trong code của tệp test.js. Code hiện tại đang hoạt động tốt ở tệp server.js mà bạn copy/paste từ test.js sang thì chúng ta không chạm vào nhé. 😄 Thư viện marked sẽ giúp chúng ta chuyển đổi nội dung văn bản được đánh dấu với mã markdown của Github thành code HTML.

CMD | Terminal

npm install --save marked

Bạn để ý là ở đây chúng ta sử dụng lệnh cài đặt với tham số phụ --save khác với ví dụ ở trên là --global. Tham số --save sẽ chỉ cài đặt package này cho project hiện tại và được lưu trong thư mục node_modules được npm tạo ra trong thư mục nodejs-blog. Và hiển nhiên là package này sẽ không được nhìn thấy bởi các project khác mà bạn đang có. Còn nếu sử dụng tham số --global thì package mới sẽ được cài đặt tổng bộ và lưu ở thư mục node_modules trong thư mục người dùng và có thể được tham chiếu tới bởi tất cả các project.

Sau khi cài đặt xong thì bạn sẽ thấy trong tệp package.json có thêm thuộc tính dependencies mô tả các packageproject của chúng ta đang lệ thuộc vào để vận hành. Thư viện marked được ghi lại với phiên bản tối thiểu ^4.0.12 để có thể chắc chắn vận hành được code mà chúng ta viết trong project có sử dụng đến marked tính từ thời điểm hiện tại.

nodejs-blog/package.json

{
   ...
   "dependencies":{"marked":"^4.0.12"}}

Bây giờ chúng ta thử require và sử dụng marked trong tệp test.js thôi. 😄 Tuy nhiên thì chúng ta cần một tệp markdown đặt ngay bên cạnh tệp test.js để thử đọc và in ra console.

nodejs-blog/npm-intro.md

## NPM là cái gì?

Vẫn xuất phát từ nhu cầu chia sẻ và tái sử dụng các bộ code miễn phí của cộng đồng lập trình viên...

[**https://www.npmjs.com/**](https://www.npmjs.com/).

![](https://images.viblo.asia/677ee91c-9549-497f-ae61-3b29a7f3d313.png)

nodejs-blog/test.js

var fsPromises = require('fs/promises');

fsPromises.readFile('npm-intro.md', 'utf-8')
   .then(function(data) {
      var markdown = require('marked');      
      var html = markdown.parse(data);
      console.log(html);
   })
   .catch(function (error) {
      console.error(error);
   });

Ở đây thì chúng ta cần truyền thêm một tham số nữa cho phương thức readFile để kết quả data thu được ở dạng ký tự utf-8, và có thể sẵn sàng sử dụng cho công cụ biên dịch mã markdown. Chạy npm test để xem kết quả được in ra ở console thôi. 😄

Như vậy là chúng ta đã có thể soạn thảo và lưu trữ nội dung của các bài viết blog ở dạng tệp markdown rồi, bởi vì đã có một phiên dịch viên tên là marked giúp đỡ. Bạn đã có thể suy nghĩ tới khả năng tự động hóa công việc biên dịch các tệp bai-viet.md thành các tệp bai-viet.html đặt trong thư mục nodejs-blog/static/post. 😄

Thế còn framework thì sao? Chúng ta đã có thể bắt đầu sử dụng framework trên nền NodeJS chưa?

Có ngay và luôn. Chúng ta đã có thể bắt đầu học cách sử dụng một framework ở thời điểm hiện tại. Bởi vì như bạn thấy đấy, việc sử dụng các module của NodeJS cung cấp cũng rất trừu tượng. Chúng ta cần quan tâm nhiều tới logic hoạt động của các hàm được cung cấp mà chỉ đơn giản là học cách truyền đúng tham số cần thiết để thu được kết quả xử lý với logic input/output đơn giản.

Tiến trình học tập hiện tại của chúng ta đã khác rất nhiều so với thời điểm mới bắt đầu học những khái niệm lập trình đầu tiên. Chúng ta không cần phải chờ đợi cho đến khi biến hết mọi thứ về các module mặc định của NodeJS cung cấp rồi mới tìm hiểu những công nghệ ở lớp trừu tượng cao hơn. Và thậm chí việc học ngược lại các module mặc định của NodeJS khi chúng ta đang sử dụng các framework sẽ đem cho chúng ta nhiều cảm hứng học tập hơn. Bởi vì chúng ta sẽ học tốt hơn trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện phần mềm mong muốn thay vì chỉ học lý thuyết bằng cách đọc hiểu từ tài liệu của NodeJS cung cấp.

Vậy, chúng ta hãy bắt đầu với một framework rất phổ biến của NodeJS, giúp chúng ta đơn giản hóa nhiều tác vụ xử lý như phân tích yêu cầu nhận được từ trình duyệt web, phân chia lộ trình xử lý cho các kiểu yêu cầu nhận được, v.v… Đó là ExpressJS – https://expressjs.com/. 😄

(Sắp đăng tải) [ExpressJS] Bài 1 – Làm Quen Với ExpressJS

Song song với việc khởi hành một Sub-Series mới về ExpressJS, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục tìm hiểu những kiến thức về các module mặc định của NodeJS có liên quan đến những yếu tố được sử dụng khi dùng ExpressJS. Mình rất hy vọng là bạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng mình trong chặng đường tự học ExpressJS xuất phát từ đây. 😄

Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo.

(Sắp đăng tải) [NodeJS] Bài 6 – Từ Từ Để Xem Chúng Ta Cần Học Thêm Gì Tiếp Theo Đã. Học Theo Cách Tự Nhiên Mà! 😄

Nguồn: viblo.asia

Bài viết liên quan

WebP là gì? Hướng dẫn cách để chuyển hình ảnh jpg, png qua webp

WebP là gì? WebP là một định dạng ảnh hiện đại, được phát triển bởi Google

Điểm khác biệt giữa IPv4 và IPv6 là gì?

IPv4 và IPv6 là hai phiên bản của hệ thống địa chỉ Giao thức Internet (IP). IP l

Check nameservers của tên miền xem website trỏ đúng chưa

Tìm hiểu cách check nameservers của tên miền để xác định tên miền đó đang dùn

Mình đang dùng Google Domains để check tên miền hàng ngày

Từ khi thông báo dịch vụ Google Domains bỏ mác Beta, mình mới để ý và bắt đầ