𝟏. 𝐍𝐞𝐭𝐰𝐨𝐫𝐤 𝐟𝐮𝐧𝐝𝐚𝐦𝐞𝐧𝐭𝐚𝐥 (Kiến thức mạng nền tảng) – khi công nghệ thay đổi, các công nghệ mới được thêm vào, tuy nhiên hạ tầng mạng hiện hữu vẫn tồn tại. Là một kỹ sư mạng, bạn vẫn cần nắm được những kiến thức căn bản của networking. Bạn sẽ không thể nâng cấp hay tự động hóa những thứ mà bạn không hiểu. Chính vì vậy, các nội dung cơ bản như định tuyến, chuyển mạch, TCP/IP, ARP, DHCP, DNS, IPSec, DMVPN, v.v. vẫn sẽ là những thứ mà bạn cần nắm bắt đầu tiên. Kể cả trên hạ tầng cloud, những công nghệ này vẫn là cần thiết để bạn có thể hiểu cách hệ thống mạng hoạt động. Đừng cố bỏ qua chúng!!!
𝟐. 𝐕𝐗𝐋𝐀𝐍 𝐯𝐚̀ 𝐄𝐕𝐏𝐍 – đây là 2 công nghệ mạng mới hiện đang phổ biến trong kiến trúc mạng Data Center (DC). Virtual eXtensible LAN (VXLAN) là một công nghệ mạng overlay cho phép truyền tải các L2 frame (gói tin ở lớp 2) qua một mạng L3 thông qua việc tạo tunnel cho các frame này. Đây là một công nghệ có tính mở rộng cao hơn VLAN và thường được sử dụng trong mạng DC. Ethernet VPN (EVPN) là một công nghệ mạng riêng ảo sử dụng BGP như một giao thức điều khiển, cho phép kết nối các site của khách hàng giống như L2VPN và L3VPN. Kết hợp VXLAN và EVPN, chúng ta sẽ có một công nghệ mạng riêng ảo hỗ trợ cả L2/L3, có tính mở rộng cao, và có thể mang dữ liệu dựa trên nhiều chuẩn đóng gói khác nhau.
𝟑. 𝐒𝐃𝐍 – 𝐒𝐨𝐟𝐭𝐰𝐚𝐫𝐞 𝐃𝐞𝐟𝐢𝐧𝐞𝐝 𝐍𝐞𝐭𝐰𝐨𝐫𝐤 (𝐒𝐃𝐍) là một thuật ngữ nổi lên trong nhiều năm nay như là đại diện của một kiến trúc mạng mới, điều khiển bằng phần mềm. Tuy nhiên, khi định nghĩa thế nào là SDN, rất nhiều bạn kỹ sư vẫn đang rất mơ hồ về nó. Khi nói tới SDN, chúng ta hay nói về controller, về giao thức North-bound Interface, South-bound Interface, hay automation. Mạng hỗ trợ SDN được cho là mạng thông minh, có khả năng thích ứng với các thay đổi và tự đưa ra các khuyến nghị hoặc hành động để tối ưu các tài nguyên của mạng. Trên thực tế, có rất nhiều hãng đã đưa ra giải pháp SDN của riêng mình, ví dụ như SD-Access, SD-WAN của Cisco. Việc tìm hiểu các khái niệm như: Network Programmability, Virtualization, Automation, hay kiến trúc mạng SDN là rất cần thiết cho các kỹ sư mạng tương lai.
𝟒. 𝐏𝐮𝐛𝐥𝐢𝐜 𝐂𝐥𝐨𝐮𝐝 𝐍𝐞𝐭𝐰𝐨𝐫𝐤𝐢𝐧𝐠 – rất nhiều doanh nghiệp ngày nay chuyển hạ tầng lên cloud. Khi nhu cầu chuyển lên cloud càng nhiều, sự phức tạp của hệ thống càng tăng do bạn cần kết nối hạ tầng mạng on-premis và hạ tầng cloud. Nắm bắt được các kiến thức về cloud networking sẽ là một lợi thế cho các Network Engineer. Ba nền tảng Cloud computing phổ biến hiện nay là Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, và Google Cloud.
𝟓. 𝐋𝐢𝐧𝐮𝐱 – Linux ngày nay hiện hữu ở khắp mọi nơi, kể cả trên máy tính, máy chủ, di động, thiết bị mạng, TV thông minh, v.v. Ngay cả Windows và MacOS cũng sử dụng Linux shell trong hệ điều hành của mình. Các thiết bị mạng như Router, Switch cũng đều sử dụng Linux kernel trong OS. Nắm bắt được kiến thức căn bản về Linux sẽ giúp các kỹ sư mạng có một lợi thế lớn, nhất là khi tìm hiểu về Automation.
𝟔. 𝐌𝐚𝐫𝐤𝐝𝐨𝐰𝐧 – Markdown là một ngôn ngữ markup đơn giản sử dụng trong các tài công cụ viết tài liệu, đặc biệt khi mở TAC case của Cisco. Ngôn ngữ này thường phổ biến trong các nền tảng viết tài liệu dựa trên Git. Markdown cho phép bạn viết tài liệu một cách dễ dạng, chẳng hạn như việt một từ trong dấu sao bold để viết một chữ in đậm – bold. Ngôn ngữ này rất dễ dùng và dễ học.
𝟕. 𝐆𝐢𝐭 – Chắc hẳn các bạn đã nghe về Git hoặc các nền tảng như GitHub. Đây là một hệ thống quản lý phiên bản được sử dụng rộng rãi bởi các lập trình viên (developer). Trong lĩnh vực quản trị mạng, bạn có thể sử dụng Git để lưu file cấu hình của thiết bị, để quản lý phiên bản của chúng.
𝟖. 𝐘𝐀𝐌𝐋 – YAML hay YAML Ain’t Markup Language, là một ngôn ngữ tuần tự hóa dữ liệu mà con người có thể đọc được. Nó thường được sử dụng để tạo các file cấu hình. Trong lĩnh vực networking, YAML có thể được sử dụng để thể hiện topo mạng (network topology), để sau đó network engineer có thể sử dụng thông tin trong file này để tạo nên các sơ đồ mạng (network diagram). Bạn có thể sử dụng Git để quản lý các file network topology tạo bởm YAML. Một ví dụ về ứng dụng của YAML có thể thấy trong Cisco Modeling Labs, sử dụng các file network topology viết bằng YAML để tạo các sơ đồ mạng một cách nhanh chóng.
𝟗. 𝐉𝐒𝐎𝐍 – JavaScript Object Notation (JSON) là một định dạng trao đổi dữ liệu đơn giản, dễ dàng cho con người đọc và viết, đồng thời dễ dàng cho máy móc có thể tạo và phân tích cú pháp. Khi bạn làm việc với giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface – APIs), bạn sẽ thấy rằng các API call đều được trả lời dưới dạng JSON. Ví dụ, khi bạn gửi API call tới DNA Center của Cisco về một thông tin cụ thể trong mạng lưới (serial number của thiết bị chẳng hạn), bạn sẽ nhận được response từ hệ thống dưới dạng JSON. Bạn có thể phân tích file JSON này bằng phần mềm để trích xuất thông tin có ích và đẩy lên một hệ thống quản lý tài sản để những người dùng từ phòng ban khác như Kế toán có thể đọc được.
𝟏𝟎. 𝐏𝐲𝐭𝐡𝐨𝐧 – Bạn không cần phải trở thành một lập trình viên, nhưng bạn nên học Python. Đây là một ngôn ngữ lập trình đơn giản, dễ học, cho phép bạn viết các automation script để tự động hóa các tác vụ quản trị mạng lưới của bạn. Điều này cũng giống như viết một TCP ping script để kiểm tra kết nối tới tất cả các địa chỉ IP đích trong mạng vậy.
𝟏𝟏. 𝐀𝐧𝐬𝐢𝐛𝐥𝐞 – Ansible là một công cụ mã nguồn mở được sử dụng để cấu hình phần mềm, quản lý cấu hình, và triển khai ứng dụng. Ansible thường được sử dụng để thu thập thông tin từ các node mạng hoặc cấu hình chúng. Ansible được viết bằng Python và sử dụng YAML để đọc và ghi các file cấu hình. Đây là một trong số ít công cụ quản lý mạng có thể hoạt động mà không cần phải chạy một phần mềm agent trên thiết bị. Biết cả Ansible và Python sẽ giúp bạn có thể quản lý mạng lưới một cách thông minh hơn và tiến dần tới nắm bắt kiến trúc mạng SDN.
Trên đây là tất cả các kỹ năng mà NGN nghĩ là cần thiết cho các kỹ sư mạng tương lai. Hy vọng sau bài viết này, các bạn có thể lập kế hoạch cho mình để phát triển sự nghiệp ngày càng vững chắc và thành công hơn nữa trong tương lai.
Nguồn: NGN
Nguồn: viblo.asia